Cội nguồn của từ thiện là tâm (Lưu Đình Long)
'Làm phước cũng phải có tâm' – tựa đề một bài viết đạt giải ba trong cuộc thi viết 'Sài Gòn bao dung – TP.HCM nghĩa tình' vừa được Tuổi Trẻ tổ chức – có thể xem là thông điệp quan trọng của việc làm từ thiện.
Bên cạnh những quy định pháp lý cho các tổ chức, cá nhân làm từ thiện, thông điệp này là khởi nguồn và cũng sẽ quyết định hiệu quả việc làm từ thiện ra sao.
Làm từ thiện, chia sẻ khó khăn với bà con trong tinh thần "lá lành đùm lá rách" là truyền thống đẹp của dân tộc. Tuy nhiên, xoay quanh hoạt động này, đâu đó vẫn có những lùm xùm đáng tiếc.
Mùa bão lũ năm ngoái ở miền Trung, chúng ta chứng kiến những câu chuyện sẻ chia đầy tình người, sự hưởng ứng nhiệt thành của cộng đồng đối với việc kêu gọi từ thiện của nhiều người nổi tiếng.
Giữa đau thương, mọi người chứng kiến và cảm kích rất nhiều người đã tất tả lội nước, đội mưa đến từng nhà dân trong cơn khốn khó. Nếu không đủ tâm thiện ắt khó làm được những việc nghĩa kịp thời đó.
Ngay thời khắc nguy nan đó, bên cạnh các tổ chức còn cần sự chung tay của những cá nhân dấn thân không mỏi mệt để giảm bớt gánh nặng với người nghèo, người gặp khó. Phát tâm làm từ thiện, đứng ra quyên góp, dựa trên uy tín của mình để làm cầu nối đến người nghèo, vùng bị thiên tai, dịch bệnh là điều đáng quý.
Cái tâm với việc thiện sẽ thôi thúc người làm phải làm nhanh, làm đủ, làm đúng những gì mình đã hứa sẽ mang đến cho người nghèo khó, đang nguy cấp. Với thiên tai, dịch bệnh là cực kỳ cấp bách, cái tâm đó thúc chúng ta không thể chờ đợi một ngày.
Và khi khởi nguồn và thực hiện bằng tâm, dù người làm từ thiện ở mắt xích nào trong câu chuyện trao yêu thương cũng không thấy mình quan trọng nhất, cũng sẽ không vì danh vì lợi mà làm, càng làm càng thấy mình bé nhỏ và tình thương tăng lên hơn.
Có nhiều lời nhắc nhở cho công tác này, như làm từ thiện không phải chỉ là cho tiền hoặc lương thực, thực phẩm rồi thôi. Không phải ồ ạt đến rồi đi như một cơn gió, để rồi những người thụ hưởng không có cải thiện đáng kể nào sau những chương trình được kêu gọi rầm rộ trước đó.
Thực tế sau những mùa bão lũ, có những nơi người dân nhận quá nhiều mì gói, gạo, quần áo (cũ và mới) trong khi họ không dùng hết, cái họ cần hơn là tấm tôn để sửa lại mái nhà, tiền vốn để mua lại đàn gà hoặc con bò giống…
Từ thiện không được lắng nghe từ nhu cầu cụ thể sẽ tạo ra lãng phí vì nó không giúp thay đổi cuộc sống hiện tại của người mình hướng đến. Từ thiện cũng không phải chỉ cho người này để chụp ảnh khoe lên mạng mà quên người khác.
Đó là việc làm tự nguyện, dựa trên niềm tin cộng đồng, nên việc đầu tiên là phải minh bạch. Khi có người làm từ thiện không minh bạch, thậm chí là trục lợi từ hoạt động này, sẽ dẫn tới những đổ vỡ niềm tin từ cộng đồng.
Và cũng dễ dàng lý giải sự không hài lòng của cộng đồng khi những chắt chiu tiền bạc của mình gửi cho một ai đó với mục đích cứu người, giúp ngặt nhưng bị dùng sai mục đích hoặc chậm trễ, nhất là trong thời buổi khó khăn chung thế này.
Cái tâm là từ mỗi người, cái tâm sẽ điều chỉnh hành vi làm từ thiện. Nhưng vấn đề đặt ra để việc làm từ thiện quy củ hơn, chuyên nghiệp hơn là cần có những điều chỉnh bằng các quy định cụ thể của pháp luật. Ai, cần điều kiện gì để quyên góp, sau đó cần minh bạch như thế nào trong hoạt động từ thiện… một lần nữa được đặt ra và cần nghiêm túc suy nghĩ.
(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online)